Chuẩn mới để chẩn đoán béo phì ở người Việt Nam

08/07/2018

Béo phì là một vấn đề y tế lớn của Việt Nam, nhưng tiêu chuẩn để chẩn đoán béo phì cho người Á châu vẫn là một đề tài còn tranh cãi. Lần đầu tiên, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng tìm ra một ngưỡng tỉ trọng mỡ toàn thân để chẩn đoán béo phì. Dựa vào tiêu chuẩn này, các nhà nghiên cứu ước tính rằng TPHCM có 15% người trưởng thành là béo phì. Công trình nghiên cứu mới được công bố trên tập san khoa học quốc tế PLoS ONE.

Mặc dù béo phì được ghi nhận là một vấn đề y tế lớn ở nước ta, nhưng chưa ai đánh giá đúng qui mô của bệnh trong cộng đồng. Một trong những khó khăn là tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì cho người Việt Nam vẫn chưa được xác định.

 

Hiện nay, chẩn đoán béo phì chủ yếu dựa vào chỉ số tỉ trọng cơ thể (body mass index hay BMI), được tính bằng cách lấy trọng lượng cơ thể chia cho chiều cao bình phương. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cá nhân nào có BMI bằng hoặc trên 30 là béo phì; BMI trong khoảng 25 và 30 được xem là "quá cân".

 

Nhưng tiêu chuẩn BMI có vấn đề vì không phân biệt được lượng cơ và lượng mỡ trong cơ thể. Một người như diễn viên Arnold Schwarzenegger (cựu thống đốc bang California) nếu theo tiêu chuẩn của WHO thì được xem là "béo phì", nhưng đó là một chẩn đoán sai, vì diễn viên này có nhiều lượng cơ hơn là lượng mỡ. Phương pháp chẩn đoán béo phì chính xác là phải phân biệt được lượng mỡ và lượng cơ. Để phân xác định lượng mỡ trong cơ thể cần đến công nghệ DXA.

 

Các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu Cơ Xương thuộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện một nghiên cứu qui mô trên 1200 cá nhân được chọn từ TPHCM. Họ dùng công nghệ DXA để đo lượng mỡ và tính toán tỉ trọng mỡ của mỗi cá nhân. Đây là lần đầu tiên công nghệ DXA được dùng trong nghiên cứu béo phì ở Việt Nam. Tính trung bình, mỗi chúng ta mang trong người 25% lượng mỡ (nếu là nam) hoặc 35% (nếu là nữ).

 

Qua phân tích mối tương quan giữa tỉ trọng mỡ và BMI, các nhà khoa học xác định rằng tỉ trọng mỡ trên 30% ở nam giới, và trên 40% ở nữ giới, nên được chẩn đoán là béo phì. Đây là một chuẩn hoàn toàn mới và có cơ sở khoa học. Trước đây chưa có ai đề nghị một chuẩn nào hợp lí. Các nhà nghiên cứu hi vọng các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới sẽ kiểm tra tính hợp lí của chuẩn mới này.

 

Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, chủ trì nghiên cứu, cho biết: "Nếu căn cứ vào BMI, chỉ có 1% người trưởng thành ở TPHCM là béo phì. Nhưng nếu căn cứ vào ngưỡng tỉ trọng mỡ toàn thân thì có đến 15% người trưởng thành ở TPHCM là béo phì." Sự khác biệt này cho thấy chẩn đoán béo phì dựa vào tiêu chuẩn BMI của Tổ chức Y tế Thế giới có thể không chính xác cho người Việt.

 

Trao đổi về ý nghĩa của công trình nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Lab nghiên cứu Xương và Cơ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho biết: "Tính trung bình, người Á châu có BMI thấp hơn người Âu Mĩ, nhưng lại có nhiều mỡ hơn người Âu Mĩ. Do đó, chẩn đoán béo phì dựa trên tỉ trọng mỡ chính xác hơn là dựa trên BMI."  GS Tuấn đã theo đuổi nghiên cứu về thành phần cơ thể và loãng xương hơn 10 năm qua, và có những công trình được rất nhiều trích dẫn. Ông cho biết trong tương lai nhóm của ông sẽ tập trung vào nghiên cứu béo phì ở cư dân sống ở nông thôn.

 

Giáo sư Tuấn cho biết ông hi vọng rằng nghiên cứu này sẽ "dẫn đường" cho việc ứng dụng công nghệ DXA trong các chuyên ngành khác. Chẳng hạn như xác định lượng mỡ và cơ ở bệnh nhân ung thư, tim mạch, tiểu đường, lao phổi, suy thận mãn tính, v.v. có thể giúp bác sĩ trong việc điều trị và quản lí bệnh.

Tin và bài liên quan

Chán ăn tâm lý và loãng xương
Chán ăn tâm lý và loãng xương

25/01/2019

Chán ăn tâm lý là một dạng của bệnh rối loạn ăn uống có liên quan đến trọng lượng cơ thể thấp và sự ám ảnh sợ hãi tăng cân. Bệnh nhân với chứng chán ăn tâm lý từ chối ăn uống và luôn cho rằng mình thừa cân, dù trên thực tế trọng lượng cơ thể họ thấp. Mặc dù chứng chán ăn tâm lý có thể xuất hiện ở cả hai giới, nhưng tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh gấp khoảng 10 lần so với đàn ông. Loãng xương là tình trạng xương giảm sức mạnh và dễ gãy sau té hay va chạm nhẹ. Gãy xương do loãng xương là nguyên nhân chính gây đau, tàn tật và giảm chất lượng cuộc sống.

Thiết lập nền tảng cho sức khỏe xương trong suốt đời sống (phần 1)
Thiết lập nền tảng cho sức khỏe xương trong suốt đời sống (phần 1)

03/01/2019

Người ta vẫn bảo: “Ăn gì bổ nấy”, và điều đó rất đúng đối với xương của bạn. Xương được cấu tạo từ các tổ chức sống nên cần được cung cấp hợp lý dưỡng chất để phát triển khỏe mạnh. Một chế độ ăn cân bằng, bao gồm cả chế độ tập luyện, sẽ giúp cải thiện sức khỏe xương ở mọi lứa tuổi và làm giảm nguy cơ loãng xương.

Phát hiện gãy xương đốt sống do loãng xương
Phát hiện gãy xương đốt sống do loãng xương

25/01/2019

Các bí quyết giúp bác sĩ lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và kĩ thuật viên X quang phát hiện gãy đốt sống do loãng xương

Xem thêm