Hoại tử xương: những điều cần biết

07/11/2018

Bài viết tổng hợp những thông tin khái quát nhất về Hoại tử Xương (Hoại tử Vô mạch). Đây là tình trạng bệnh gì? Những nhóm người có khả năng mắc bệnh cao? Bệnh được chẩn đoán như thế nào?... Bên cạnh đó, bài viết cũng mô tả sơ bộ về một số triệu chứng của bệnh

Thông Tin Dành Cho Độc Giả

Ấn phẩm này bao gồm thông tin về một số loại dược phẩm cùng phương pháp y khoa được sử dụng nhằm điều trị vấn đề sức khỏe được thảo luận dưới đây. Khi xây dựng ấn phẩm này, chúng tôi sử dụng những thông tin được cập nhật mới nhất với độ chính xác cao.. Đôi khi, chúng tôi cũng cung cấp thêm một vài thông tin mới về dược phẩm.

Để cập nhật thêm thông tin cũng như có bất kỳ câu hỏi nào về các loại dược phẩm bạn đang dùng, vui lòng liên hệ đến Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (the U.S Food and Drug Administration) tại địa chỉ 888-INFO-FDA (888-463-6332, miễn cước gọi) hoặc truy cập trang web www.fda.gov. Đối với thông tin chi tiết, cụ thể đối với từng loại thuốc, hãy truy cập Drugs@FDA tại www.accessdata.fda.gov/scripts/cder/drugsatfda. Drugs@FDA là danh mục cho phép tìm kiếm thông tin các loại dược phẩm được FDA phê duyệt.

Bất kì thắc mắc nào liên quan đến số liệu, vui lòng liên hệ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thuộc Trung tâm Quốc gia về Thống kê Y tại 800-232-4636 hoặc truy cập địa chỉ www.cdc.gov/nchs.

 

Ấn phẩm này không đòi hỏi bản quyền. Độc giả được quyền sao chép và phân phối nhiều bản sao nếu có nhu cầu.

Một số bản sao bổ sung của ấn phẩm này hiện có thể được tìm thấy tại:

Viện Quốc gia về Bệnh Viêm khớp Cơ xương và Da (NIAMS)

Trung tâm Thông tin và Giới thiệu

NIAM/Viện Y tế Quốc gia

1 AMS Circle

Bethesda, MD 20892-3675

 

Bạn cũng có thể tìm đọc ấn phẩm này tại địa chỉ website www.niams.nih.gov của Viện Quốc gia về Bệnh Viêm khớp, Cơ xương và Da (NIAMS).

 

Mục Lục

Hoại Tử Xương Là Gì?

Một Số Nguyên Nhân Gây Nên Tình Trạng Hoại Tử Xương?

Những Trường Hợp Có Nguy Cơ Cao

Mắc Phải Tình Trạng Hoại Tử Xương?

Các Triệu Chứng Thường Gặp?

Một Số Phương Pháp Chẩn Đoán Hoại Tử Xương?

Các Kĩ Thuật Điều Trị Hiện Nay?

Những Dự Án Đã Được Nghiên Cứu Nhằm Giúp Đỡ

Bệnh Nhân Mắc Chứng Hoại Tử Xương?

Một Số Nguồn Thông Tin Bổ Sung Đáng Tin Cậy

Về Tình Trạng Hoại Tử Xương?

Danh Sách Các Từ Khóa

 

Ấn phẩm này tổng hợp những thông tin khái quát nhất về Hoại tử Xương (Hoại tử Vô mạch). Đây là tình trạng bệnh gì? Những nhóm người có khả năng mắc bệnh cao? Bệnh được chẩn đoán như thế nào?... Bên cạnh đó, ấn phẩm cũng mô tả sơ bộ về một số triệu chứng cùng hướng dẫn điều trị. Phần cuối quyển sách, chúng tôi cung cấp cho bạn danh sách các từ khóa, giúp bạn hiểu rõ hơn những thuật ngữ chuyên ngành được sử dụng. Nếu còn bất kì thắc mắc nào khác, độc giả vui lòng liên hệ với các bác sĩ để biết thêm thông tin.

 

Hoại Tử Xương Là Gì?

Hoại tử Xương là một căn bệnh gây ra bởi tình trạng mất nguồn cấp máu tạm thời hoặc vĩnh viễn cho xương. Khi không còn máu nuôi, mô xương sẽ chết dần, cuối cùng khung xương có thể sụp đổ. Trường hợp quá trình trên xảy ra ở vị trí xương gần khớp thường sẽ kéo theo sự sụp đổ của bề mặt khớp. Hoại tử Xương còn được biết đến với tên gọi Hoại tử Vô mạch, Hoại tử Vô trùng hay Hoại tử Thiếu máu Cục bộ.

Hoại tử Xương có thể xảy ra với bất kỳ xương nào, trong đó chỏm cầu xương đùi (xương kéo dài từ khớp gối đến khớp hông) chính là vùng xương mà ở đó tình trạng trên xảy ra nhiều nhất. Một số vị trí phổ biến dễ mắc bệnh khác bao gồm xương cánh tay, đầu gối, vai và mắt cá chân. Hoại tử Xương có thể chỉ ảnh hưởng đến một xương hay nhiều xương khác nhau, vào cùng hoặc khác thời điểm. Hoại tử xương hàm là một tình trạng bệnh vô cùng hiếm gặp có liên quan đến thuốc Bisphosphonate và bệnh nhân ung thư. Nguyên nhân gây hoại tử xương hàm và các phương pháp điều trị cũng tương đối khác biệt so với những vùng xương khác của cơ thể. 

Mức độ khuyết tật do hoại tử xương để lại phụ thuộc vào phần xương bị ảnh hưởng, kích thước của vùng hoại tử, cùng khả năng tái tạo của xương. Thông thường, xương liên tục bị phá vỡ và được tái tạo - xương già được thay thế bằng xương mới. Quá trình này - xảy ra sau các chấn thương cũng như trong quá trình tăng trưởng bình thường - có vai trò đảm bảo độ vững chắc và giúp khung xương duy trì sự cân bằng khoáng chất. Tuy nhiên, trong bệnh lí hoại tử xương, giai đoạn chữa lành không còn hiệu quả, khiến quá trình phá hỏng mô xương diễn ra nhanh hơn nhiều so với mức độ cơ thể có thế sửa chữa và thay thế chúng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển xấu và trở nặng, xương sẽ dần sụp đổi, bề mặt khớp bị phân hủy, gây nên những cơn đau đớn kéo dài cùng tình trạng viêm khớp.

 

Một Số Nguyên Nhân Gây Nên Tình Trạng Hoại Tử Xương?

Hoại tử xương thường xảy ra do sự suy giảm nguồn cung cấp máu đến xương4 mức, nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu hụt máu này hiện nay vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn. Bệnh thường xảy ra với những người mang những yếu tố nguy cơ nhất định trong cơ thể (chẳng hạn như sử dụng Corticosteriod liều cao hay nghiện rượu quá mức) cũng như điều kiện kinh tế,... Tuy nhiên, hoại tử xương cũng có thể xuất hiện ở cả nhiều trường hợp không có vấn đề về sức khỏe trước đó mà không rõ nguyên do. Sau đây là một số nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng bệnh hoại tử xương cùng các vấn đề sức khỏe khác có liên quan đến sự tiến triển của bệnh.

Thuốc Steroid

Ngoài chấn thương, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng hoại tử xương chính là việc sử dụng các loại thuốc corticosteroid như Prednisone. Corticosteroid thường được sử dụng trong điều trị các bệnh viêm như Lupus Ban đỏ Hệ thống, Viêm khớp dạng thấp, một số bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng, hen suyễn và viêm mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc sử dụng cortisteriod trong một thời gian dài thông qua đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch (IV) có nguy cơ cao dẫn đến tình trạng hoại tử xương. Bệnh nhân nên thảo luận về việc sử dụng steroid với bác sĩ của họ trước khi dùng thuốc.

Các bác sĩ hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao việc sử dụng corticosteroid đôi khi lại gây nên hoại tử xương. Một số người cho rằng, thuốc ức chế phần nào khả năng phân cắt mỡ thành các chất béo đơn giản của cơ thể. Những chất này sau đó tích tụ, làm hẹp lòng mạch, từ đó giảm lượng máu đi nuôi xương. Vài nghiên cứu khác lại chỉ ra, so với nhiều nguyên nhân gây bệnh khác, tình trạng hoại tử xương do cortisteriod thường có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cả hai bên phần hông của cơ thể.

 

Sử dụng rượu

Lạm dụng rượu cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng hoại tử xương. Cơ thể của người sử dụng rượu quá mức dễ tích tụ các chất béo, gây cản trở lòng mạch máu, làm giảm lưu lượng máu cung cấp đi nuôi xương.

 

Chấn thương

Gãy xương, trật khớp cùng một số chấn thương khớp khác có thể khiến cho các mạch máu trong cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng. Điều này gây trở ngại không nhỏ, ảnh hưởng lên sự lưu thông máu đến xương, từ đó gây nên bệnh hoại tử vô mạch. Trong thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vị trí hông cùng sự gãy xương ở vùng hông là những yếu tố nguy cơ chính đối với tình trạng hoại tử này. Bên cạnh đó, áp lực trong xương tăng cao cũng là một nguyên nhân quan trọng khác. Khi áp lực trong xương quá lớn, các mạch máu sẽ bị chèn ép hẹp lại, khiến việc cung cấp máu đến các tế bào xương gặp khó khăn không nhỏ. Cho đến nay vẫn chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng cho hiện tượng gia tăng áp lực trong xương một cách bất thường.

 

Một số yếu tố nguy cơ khác

Bệnh hoại tử xương có thể là một trong những hậu quả từ quá trình xạ trị, hóa trị hay cấy ghép nội tạng (đặc biệt là ghép thận)... Tình trạng này cũng thường liên quan với các bệnh lý khác bao gồm ung thư, lupus, rối loạn máu như bệnh hồng cầu hình liềm, nhiễm HIV, bệnh Gaucher, bệnh Caisson, bệnh gút, viêm mạch, viêm xương khớp và loãng xương…

 

Những Trường Hợp Có Nguy Cơ Cao Mắc Phải Tình Trạng Hoại Tử Xương?

Tình trạng hoại tử vô mạch ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới. Bệnh có thể xảy ra ở bất kì lứa tuổi nào, từ trẻ em đến người già, tuy nhiên phổ biến nhất chính là nhóm người ở độ tuổi ba mươi, bốn mươi và năm mươi.

 

Các Triệu Chứng Thường Gặp?

Trong giai đoạn đầu của bệnh, người mắc có thể sẽ không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Sau khi bệnh tiến triển một thời gian, các cơn đau khớp dần xuất hiện. Ban đầu, những cơn đau chỉ xảy ra khi dồn một trọng lượng lớn lên phần khớp bị tổn thương. Về sau, các cơn đau này xảy ra với tần suất phổ biến hơn, thậm chí ngay cả trong quá trình bệnh nhân nghỉ ngơi. Sự đau đớn thường phát triển dần qua nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nếu tình trạng hoại tử vẫn không có dấu hiệu dừng lại, xương cùng bề mặt khớp xung quanh khó tránh khỏi nguy cơ bị phá vỡ, khi đó những cơn đau sẽ tăng lên đáng kể, về cả tần suất lẫn mức độ. Điều này hạn chế phần nào phạm vi chuyển động của vùng khớp bị tổn thương. Đối với một số trường hợp khác, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến hông, cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế tự bảo vệ bằng cách vô hiệu hóa tình trạng hoại tử xương. Khoảng thời gian từ khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện cho đến lúc mất chức năng khớp là khác nhau đối với từng cá nhân, nhưng thường dao động từ vài tháng đến hơn một năm.

 

Một Số Phương Pháp Chẩn Đoán Hoại Tử Xương?

Sau khi đã tiến hành thăm khám sức khỏe toàn diện cũng như hỏi bệnh nhân về bệnh sử của họ, bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều kỹ thuật hình ảnh về xương nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác hơn tình trạng Hoại tử Xương. Cũng như đối với nhiều chứng bệnh khác, chẩn đoán sớm giúp nâng cao đáng kể tỉ lệ thành công trong điều trị. Những phương pháp chẩn đoán mô tả chi tiết dưới đây có thể được sử dụng nhằm xác định số lượng xương bị ảnh hưởng cùng mức độ tiến triển của bệnh.

Chụp X Quang

Kĩ thuật chụp hình bằng tia X, hay còn gọi là chụp X Quang, thường là phương pháp chẩn đoán đầu tiên mà các bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành. Một cách đơn giản để tạo ra những hình ảnh thực tế của xương, chụp X Quang thường rất hữu ích trong việc chẩn đoán nguyên nhân gây đau khớp. Tuy nhiên, đối với bệnh hoại tử xương, tia X lại không đủ nhạy để có khả năng phát hiện ra những biến đổi của xương trong giai đoạn đầu phát bệnh. Vì vậy, trong trường hợp kết quả chụp X Quang là bình thường, bác sĩ có thể yêu cầu cho bệnh nhân tiến hành thêm một số kĩ thuật chẩn đoán khác nhằm tăng tính chính xác cho kết quả cuối cùng. Trong những giai đoạn sau của tình trạng hoại tử xương, ảnh chụp X Quang có thể cho thấy các thương tổn ở xương, và sau khi chẩn đoán đã được đưa ra, phương pháp này thường sẽ được sử dụng nhằm theo dõi tiến triển của bệnh.

Chụp Cộng Hưởng Từ MRI (Magnetic Resonance Imaging)

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kĩ thuật chụp Cộng hưởng Từ, hay chụp MRI, là phương pháp hiệu quả nhất có khả năng chẩn đoán tình trạng hoại tử xương ngay từ những giai đoạn đầu. Không như chụp X Quang hay chụp Cắt lớp Vi tính CT Scan (xem phần bên dưới), MRI có thể xác định được những biến đổi hóa học trong tủy xương. Phương pháp này cung cấp cho bác sĩ điều trị những hình ảnh chi tiết về vùng bị ảnh hưởng cũng như quá trình tái tạo của xương. Thêm vào đó, MRI còn có khả năng hiển thị những vùng nhiễm bệnh khác ngay từ khi chưa có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Tuy nhiên, đôi khi các bác sĩ lại khuyên bệnh nhân không nhất thiết phải tiến hành điều trị tích cực tình trạng bệnh hoại tử xương đã được phát hiện bởi phương pháp chụp MRI khi chưa có triệu chứng rõ ràng. Một nghiên cứu đã cho thấy, đối với một nhóm bệnh nhân còn đang trong giai đoạn đầu của tình trạng hoại tử xương, bệnh hoàn toàn có thể cải thiện đáng kể một cách tự nhiên mà không cần thông qua quá nhiều điều trị can thiệp chuyên môn.

Chụp Cắt Lớp Vi Tính CT Scan (Computed/Computerized Tomography)

Chụp CT là một kỹ thuật hình ảnh cung cấp cho bác sĩ điều trị những hình ảnh ba chiều về xương. Phương pháp này còn cho thấy các "lát cắt" của xương, làm cho hình ảnh rõ ràng hơn nhiều so với chụp X Quang hay chụp Xạ hình Xương. Tuy nhiên, một số bác sĩ lại không cho rằng chụp CT thực sự hữu ích trong chẩn đoán hoại tử xương. Dù chẩn đoán thường có thể được đưa ra mà không cần thông qua chụp CT, kỹ thuật này vẫn có thể rất hữu ích trong việc xác định mức độ thương tổn của xương. Độ nhạy của chụp CT thấp hơn so với chụp MRI.

Chụp Xạ Hình Xương (Bone Scan)

Một phương pháp kiểm tra mang tên chụp Xạ hình Xương Technetium-99m thường sẽ được chỉ định tiến hành với những trường hợp bệnh nhân có kết quả chụp X Quang bình thường cũng như không tìm thấy yếu tố nguy cơ có khả năng gây nên tình trạng hoại tử xương. Trong kĩ thuật này, một chất phóng xạ vô hại được tiêm qua đường truyền tĩnh mạch, sau đó hình ảnh của xương sẽ được ghi nhận lại bằng một loại máy chụp đặc biệt. Hình ảnh này cho ta thấy chất phóng xạ vô hại được tiêm vào trước đó đã đi qua các mạch máu trong xương như thế nào. Chỉ cần 1 lần chụp Xạ hình Xương cũng đủ để có thể tìm ra tất cả các khu vực trong cơ thể bị mắc bệnh, từ đó giúp rút ngắn thời gian cũng như số lần người bệnh phải tiếp xúc với các chất phóng xạ.

Sinh Thiết

Sinh thiết là một quy trình phẫu thuật tiến hành thu thập một mẫu mô từ vùng xương nhiễm bệnh và mang đi nghiên cứu kiểm tra. Mặc dù đây chính là phương pháp quyết định chủ yếu đến kết quả chẩn đoán tình trạng hoại tử xương, sinh thiết lại tương đối hiếm khi được sử dụng do yêu cầu phải phẫu thuật.

Đánh Giá Chức Năng Xương

Là tập hợp nhiều kĩ thuật kiểm tra khác nhau nhằm giúp xác định áp lực bên trong xương. Những kĩ thuật này có thể được chỉ định tiến hành khi bác sĩ điều trị nghi ngờ gần như chắc chắn rằng bệnh nhân đang bị hoại tử xương, kể cả trong trường hợp chụp X Quang, chụp Xạ hình Xương hay chụp MRI cho kết quả bình thường. Đây là một phương pháp vô cùng hiệu quả có khả năng giúp phát hiện áp lực gia tăng từ bên trong xương, tuy nhiên nhược điểm chính là cần phải phẫu thuật mới có thể tiến hành.

 

Các Kĩ Thuật Điều Trị Hiện Nay?

Bệnh nhân mắc phải tình trạng hoại tử xương cần nhanh chóng được điều trị thích hợp. Đây là điều cần thiết nhằm giữ cho khớp không bị phá vỡ thêm. Hầu hết những người bệnh không hợp tác điều trị sẽ vô cùng đau đớn, đồng thời chuyển động của họ cũng sẽ bị hạn chế đáng kể. Để xác định cách điều trị thích hợp nhất cho từng đối tượng bệnh nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ dựa vào những yếu tố sau đây:

−       Tuổi của bệnh nhân.

−       Giai đoạn tiến triển của bệnh (sớm hoặc muộn).

−       Vị trí và diện tích ảnh hưởng.

−       Nguyên nhân gây bệnh - đối với một số nguyên nhân như dùng Corticosteriod hoặc sử dụng rượu quá nhiều, điều trị thông thường có thể sẽ kém hiệu quả nếu những thói quen xấu này không được loại bỏ.

Mục tiêu chính của việc điều trị tình trạng hoại tử xương là giúp cải thiện tình trạng khớp bị ảnh hưởng, giảm thiểu tối đa thiệt hại cùng thương tổn cho xương, đồng thời đảm bảo xương khớp có thể tiếp tục sinh trưởng và phát triển. Để đạt được những mục tiêu này, các bác sĩ sẽ tiến hành một hay phối hợp đồng thời nhiều phương pháp khác nhau, kết hợp giữa phẫu thuật với các kĩ thuật điều trị không can thiệp phẫu thuật.

 

Một Số Phương Pháp Điều Trị Không Phẫu Thuật

Thông thường, các bác sĩ sẽ bắt đầu quá trình điều trị với những phương pháp  không phẫu thuật, đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau. Mặc dù những phương pháp này có thể làm giảm đau cũng như giúp cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng với đa số trường hợp, tình trạng bệnh không có nhiều cải thiện đáng kể về lâu dài.

§  Sử dụng thuốc - Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) thường được chỉ định sử dụng giúp giảm đau.1 Đối với những trường hợp mắc các rối loạn đông máu, bác sĩ điều trị sẽ cho dùng thêm thuốc làm máu loãng, giảm cục máu đông, tăng lưu thông mạch máu nuôi xương. Thuốc hạ cholesterol có thể được sử dụng để làm giảm lượng chất béo tăng lên do tích tụ trong quá trình điều trị bằng corticosteroid (một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tình trạng hoại tử xương).2

1. Cảnh báo: Tác dụng phụ của thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) bao gồm các vấn đề về dạ dày; viêm da; huyết áp cao; giữ nước; cùng một số vấn đề về gan, thận và tim. Bệnh nhân càng sử dụng NSAID trong khoảng thời gian dài, họ càng có nhiều khả năng mắc phải những tác dụng phụ này, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nhiều loại thuốc khác không thể được sử dụng kèm theo trong khi bệnh nhân đang được điều trị bằng NSAID, bởi NSAID làm thay đổi cách cơ thể tiêu thụ cũng như đào thải các loại thuốc này. Trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc dược sĩ của bạn trước khi sử dụng NSAID. Khuyến cáo nên sử dùng NSAID ở liều thấp nhất có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất.

2. Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Một số loại thuốc cùng tác dụng phụ của chúng được đề cập trong ấn phẩm này. Mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy theo từng loại tác dụng phụ khác nhau. Bạn nên đọc kĩ những tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc, và hãy liên hệ nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe hoặc dược sĩ của bạn nếu bạn có thêm bất kì câu hỏi nào khác về một số tác dụng phụ ngoài ý muốn có thể xảy ra.

§  Giảm trọng lượng - Nếu được chẩn đoán sớm, các bác sĩ có thể bắt đầu điều trị bằng phương pháp làm giảm trọng lượng đè lên xương khớp bệnh nhân. Nên hạn chế những hoạt động nặng, đồng thời có thể sử dụng nạng để hỗ trợ khớp nếu cảm thấy cần thiết. Trong một số trường hợp, việc giảm trọng lượng dồn lên cơ thể có khả năng làm chậm lại tốc độ tổn thương do tình trạng hoại tử xương gây ra, từ đó bệnh nhân có thể dần hồi phục mà không cần phải điều trị chuyên sâu thêm nữa. Khi kết hợp với thuốc giảm đau, đây được xem là phương pháp hiệu quả nhằm tránh hoặc trì hoãn phẫu thuật cho bệnh nhân.

§  Các bài tập vật lí trị liệu theo dõi phạm vi chuyển động của xương khớp - Một chương trình tập luyện với mục đích khôi phục chuyển động cho những vùng khớp bị tổn thương, đồng thời tăng tính linh động cũng như mở rộng phạm vi hoạt động cho khớp.

§  Kích thích xung điện - Phương pháp này đã được sử dụng ở nhiều trung tâm sức khỏe nhằm kích thích sự phát triển của xương. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, kĩ thuật Kích thích Xung điện này đặc biệt hữu ích khi được sử dụng ở khu vực trước đầu xương đùi.

 

Một Số Phương Pháp Điều Trị Thông Qua Phẫu Thuật

Nhiều kĩ thuật phẫu thuật khác nhau được sử dụng để điều trị tình trạng hoại tử xương. Đối với phần lớn các trường hợp mắc bệnh, dù được chữa trị ban đầu bằng phương pháp nào đi chăng nữa, cuối cùng vẫn nên tiến hành phẫu thuật nếu muốn đạt được hiệu quả tối ưu.

§  Giải nén lõi - Phương pháp phẫu thuật này có vai trò loại bỏ các trụ bên trong xương, làm áp lực đè nén trong xương giảm đi đáng kể, từ đó giúp tăng lưu lượng máu đến nuôi xương cũng như cho phép nhiều mạch máu mới được hình thành. Kĩ thuật này thường đạt hiệu quả cao nhất ở những trường hợp phát hiện bệnh sớm, thường là trước khi hiện tượng sụp đổ các khớp bắt đầu xảy ra. Giải nén lõi đôi khi còn giúp giảm đau và làm chậm đi phần nào quá trình phát triển hoại tử trong xương khớp.

§  Thủ thuật đục mở xương -  Phương pháp điều trị này liên quan đến việc định hình lại xương nhằm giảm sức căng trên khu vực bị ảnh hưởng. Quá trình phục hồi có thể tương đối dài, thường dao động trong khoảng từ 3 đến 6 tháng, ngoài ra cử động bệnh nhân sẽ rất hạn chế trong khoảng thời gian này. Kĩ thuật đục mở xương có hiệu quả nhất đối với các trường hợp được phát hiện ở giai đoạn sớm của bệnh, cũng như những bệnh nhân có vùng tổn thương không quá lớn và trầm trọng.

§  Ghép xương - Tiến hành cấy ghép xương khỏe mạnh từ những vùng cơ thể không bị tổn thương. Phương pháp này thường được sử dụng với mục đích hỗ trợ tăng cường cho khớp sau khi đã được điều trị thông qua kĩ thuật giải nén lõi. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành cấy ghép cả các mạch máu - gồm động mạch và tĩnh mạch - nhằm tăng cường lượng máu cung cấp đến nuôi dưỡng cho vùng bị tổn thương. Phục hồi sau phẫu thuật có thể kéo dài trong nhiều tháng.

§  Chỉnh hình khớp / Thay khớp toàn phần - Phương pháp này thường chỉ được tiến hành khi điều trị hoại tử xương ở giai đoạn muộn của bệnh hay khi khớp đã bị phá hủy hoàn toàn. Kĩ thuật chỉnh hình khớp sẽ thay thế những phần xương khớp đã bị hoại tử bằng các bộ phận nhân tạo. Thay khớp hoặc tái tạo bề mặt đầu xương đùi thường được chỉ định cho những bệnh nhân đã áp dụng các phương pháp khác trong điều trị trước đó nhưng không thực sự hiệu quả. Có nhiều hình thức thay khớp khác nhau, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn nếu muốn biết thêm thông tin chi tiết.

Đối với hầu hết trường hợp bệnh nhân mắc phải tình trạng hoại tử xương, điều trị là quy trình nên được thực hiện thường xuyên và liên tục. Tùy thuộc vào từng giai đoạn khác nhau của bệnh, trước tiên bác sĩ có thể đề nghị tiến hành những thủ thuật ít phức tạp hoặc không cần phải phẫu thuật can thiệp như sử dụng thuốc, giảm trọng lượng lên xương... Khi những phương pháp này không thực sự hiệu quả, một số kĩ thuật phẫu thuật sẽ được chỉ định bổ sung sau đó. Điều quan trọng là bệnh nhân cần thực hiện nghiêm túc cũng như tuân thủ nghiêm ngặt những lời khuyên từ bác sĩ về giới hạn cử động của khớp trong công việc hằng ngày, ngoài ra hãy hợp tác chặt chẽ với bác sĩ điều trị nếu muốn đảm bảo rằng các phương pháp đang được áp dụng sẽ thực sự phát huy hiệu quả của chúng.

 

Những Dự Án Đã Được Nghiên Cứu Nhằm Giúp Đỡ Bệnh Nhân Mắc Chứng Hoại Tử Xương?

Với các phương pháp chữa trị thích hợp và kịp thời, hầu hết những trường hợp mắc phải tình trạng hoại tử xương sau hồi phục vẫn có thể sống một cuộc đời tương đối khỏe mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều kiến thức thú vị khác để tìm hiểu liên quan đến việc phòng ngừa, chẩn đoán cũng như điều trị. Một số mục tiêu nghiên cứu chính hiện nay là:

§  Hiểu rõ hơn phản ứng của cơ thể đối với các chất có chứa steroid cùng lý do vì sao việc sử dụng steroid làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng hoại tử xương.

§  Xác định và / hoặc phát triển một số phương pháp mới nhằm cải thiện khả năng chẩn đoán tình trạng hoại tử xương ngay từ những giai đoạn sớm nhất, khoảng thời gian điều trị không can thiệp phẫu thuật có thể phát huy tối đa thế mạnh của mình.

§  Phát triển các kĩ thuật điều trị mới song song với việc cải thiện chất lượng một số phương pháp điều trị sẵn có đối với tình trạng hoại tử xương.

§  Xác định rõ chiến lược kết hợp cùng việc ứng dụng phù hợp các kỹ thuật về mô nhằm thúc đẩy nhanh quá trình tái tạo của xương.

§  Nghiên cứu chuyên sâu về một số yếu tố cơ học quan trọng - chẳng hạn như sự liên kết của hông, đầu gối và mắt cá chân - có khả năng ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

§  Cải thiện kỹ thuật cùng vật liệu thay thế khớp hông nhằm giúp cho các bệnh nhân trẻ tuổi không cần phải thực hiện quá nhiều cuộc phẫu thuật thay thế khớp hông trong cuộc đời của họ như trước đây nữa.

 

Để tham khảo thêm thông tin về các nghiên cứu, vui lòng truy cập những trang web sau:

§  Thử nghiệm Nghiên cứu Lâm sàng của NIH và Bạn (NIH Clinical Research Trials and You) được thiết kế nhằm giúp mọi người tìm hiểu thêm về các thử nghiệm lâm sàng, tầm quan trọng của chúng, cùng cách thức tham gia. Truy cập vào trang web, bạn sẽ tìm thấy cho mình thông tin về những điều cơ bản cần thiết khi tham gia một thử nghiệm lâm sàng, những kỉ niệm đặc biệt từ các tình nguyện viên đã từng tham gia thử nghiệm thực tế, lời giải thích từ nhiều chuyên viên nghiên cứu, và cả đường link giúp bạn tìm kiếm cũng như đăng kí thuận tiện, nhanh chóng hơn.
Địa chỉ website: www.nih.gov/health/clinicaltrials

§  ClinicalTrials.gov cung cấp nhiều thông tin được cập nhật để xác định các thử nghiệm lâm sàng nhận tài trợ từ một cá nhân cụ thể hay cả chính quyền liên bang, từ đó mở rộng phạm vi nghiên cứu đối với nhiều loại bệnh lí khác nhau.
Địa chỉ website: www.clinicaltrials.gov

§  NIH RePORTER là một công cụ điện tử cho phép người sử dụng tìm kiếm những dự án nghiên cứu gây quỹ cả nội bộ lẫn công khai của NIH trong khoảng thời gian 25 năm vừa qua,. Phần lớn các dự án này đã được xuất bản từ năm 1985, đồng thời còn được quỹ NIH chứng nhận kết quả nghiên cứu.
Địa chỉ website: www.projectreporter.nih.gov

PubMed là một dịch vụ miễn phí cung cấp bởi Thư viện Quốc gia Y học Mĩ. Dịch vụ này hỗ trợ tìm kiếm nhanh chóng và hiệu quả hàng triệu trích dẫn từ các tạp chí y khoa, cũng như những bản tóm tắt sơ lược về các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như y học, điều dưỡng, nha khoa, thú y, hệ thống chăm sóc sức khỏe, và khoa học cận lâm sàng.
Địa chỉ website: www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed

 

Một Số Nguồn Thông Tin Bổ Sung Đáng Tin Cậy Về Tình Trạng Hoại Tử Xương

§  Viện Quốc gia về Các Bệnh Viêm khớp, Cơ xương và Da (NIAMS)

Viện Sức khỏe Quốc gia

1 AMS Circle

Bethesda, MD 20892–3675

Điện thoại: 301–495–4484 hoặc 877–22–NIAMS (226–4267) (miễn cước)

TTY: 301–565–2966

Fax: 301–718–6366

Email: NIAMSInfo@mail.nih.gov

Địa chỉ website: www.niams.nih.gov

 

§  Trung tâm Tài nguyên Quốc gia Nghiên cứu các Vấn đề về Xương cùng Chứng Loãng xương NIH

2 AMS Circle

Bethesda, MD 20892–3676

Điện thoại: 202–223–0344 hoặc 800–624–BONE (miễn cước)

TTY: 202–466–4315

Fax: 202–293–2356

Email: NIAMSBoneInfo@mail.nih.gov

Địa chỉ website: www.bones.nih.gov

 

Các Nguồn Tham Khảo Khác

§  Viện Nghiên cứu Răng-Hàm-Mặt Quốc gia  (NIDCR)

Viện Sức khỏe Quốc gia

Địa chỉ website: www.nidcr.nih.gov

§  Học viện Phẫu thuật Chỉnh hình của Mĩ (AAOS)

Địa chỉ website: www.aaos.org

§  Qũy Hoại tử Xương Quốc gia (NONF)

Địa chỉ website: www.nonf.org

§  Qũy Viêm khớp

Địa chỉ website: www.arthritis.org

§  Hiệp hội Khớp hông

Địa chỉ website: www.hipsoc.org

Để biết thêm thông tin chi tiết khác, vui lòng truy cập trang web của NIAMS hoặc gọi đến Trung tâm Thông tin của NIAMS.

Tin và bài liên quan

Hoại tử xương: chẩn đoán và điều trị
Hoại tử xương: chẩn đoán và điều trị

07/11/2018

Bài viết tổng hợp những thông tin khái quát nhất về việc chẩn đoán và điều trị Hoại tử xương (Hoại tử vô mạch)

Các yếu tố nguy cơ của loãng xương
Các yếu tố nguy cơ của loãng xương

04/09/2018

Các yếu tố dẫn đến bệnh loãng xương hoặc góp phần vào khả năng phát triển bệnh được gọi là các yếu tố nguy cơ. Nhiều người bị loãng xương có nhiều yếu tố nguy cơ cho bệnh này, nhưng có những người bị loãng xương không có các yếu tố nguy cơ được xác định. Có một số yếu tố nguy cơ mà chúng ta không thể thay đổi, và những yếu tố nguy cơ khác mà chúng ta có thể hoặc có khả năng thay đổi.

Xem thêm