Bệnh Loãng Xương: Hỏi và Đáp (phần 1)

16/07/2018

Trả lời:

Loãng xương là gì?

Loãng xương (tiếng Anh là 'osteoporosis') là một bệnh xương với đặc điểm chính là mật độ chất khoáng trong xương bị suy giảm và cấu trúc xương bị thoái hoá (Hình 1), dẫn đến gia tăng nguy cơ gãy xương (Hình 2). Cũng như hệ quả của tăng huyết áp là đột quị, hệ quả của loãng xương là gãy xương.

 

 

 

 

 

 

 

Hình 1: Cấu trúc của người bình thường (hình trái) và xương của bệnh nhân loãng xương (hình phải). Nguồn: Giáo sư Alan Boyde, trong "An Atlas of Osteoporosis" (Nhà xuất bản Informa, 2007)

Hình 2: Một ca gãy xương cột sống thắt lưng (hình trái) và gãy cổ xương đùi (hình phải)

Triệu chứng gì giúp tôi biết mình có thể bị loãng xương?

Loãng xương không có triệu chứng cụ thể. Nhưng một số triệu chứng có thể liên quan đến loãng xương là chiều cao bị suy giảm, lưng còng, và trọng lượng cơ thể quá thấp.

 

Bệnh loãng xương có nguy hiểm không?

Loãng xương là một bệnh nguy hiểm. Như nói trên, loãng xương dẫn đến gãy xương. Gãy xương dẫn đến suy giảm tuổi thọ. Khoảng 20% phụ nữ bị gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng 12 tháng sau gãy xương. Ngay cả gãy xương cột sống cũng gia tăng nguy cơ tử vong. Nam giới bị gãy xương có nguy cơ tử vong cao hơn nữ giới.

 

Ai thường hay bị loãng xương?

Phụ nữ trên 60 tuổi thường hay bị loãng xương. Ở Việt Nam, khoảng 30% nữ và 10% nam trên 60 tuổi bị loãng xương.

 

Làm sao để biết tôi bị loãng xương?

Cách tốt nhất là đo mật độ xương bằng máy DXA (dual-energy X-ray absorptiometry). Máy đo siêu âm gót chân không thể dùng cho chẩn đoán loãng xương.

 

Hình 3: Máy DXA dùng để đo mật độ xương và chẩn đoán loãng xương

 

Nếu tôi bị loãng xương, tôi nên dùng thuốc gì để điều trị?

Bạn phải gặp bác sĩ gia đình để được tư vấn. Các thuốc được sử dụng cho điều trị loãng xương bao gồm bisphosphonates (alendronate, aclasta), reloxifen, PTH, denosumab.

 

Làm sao phòng ngừa loãng xương?

Phòng ngừa loãng xương phải thực hành ngay từ lúc còn trẻ để đảm bảo xương đạt độ vững chãi cần thiết. Tuy nhiên, trong bất cứ độ tuổi nào, phòng ngừa loãng xương dựa vào ăn uống đầy đủ chất calcium và vitamin D, luyện tập thể dục thường xuyên, và lối sống lành mạnh.

Duy trì lượng calcium đầy đủ qua ăn uống là một biện pháp hữu hiệu, rất cần thiết cho việc ngăn ngừa tình trạng calcium bị di chuyển khỏi xương, nơi mà 99% lượng calcium của cơ thể trữ. Tăng lượng calcium qua nguồn thực phẩm là cần thiết trong thời kì tăng trưởng để đạt được mật độ xương cao nhất. Viện y khoa của Mĩ đề nghị lượng calcium cần thiết hàng ngày khoảng 1000 mg. Riêng phụ nữ mang thai, lượng calcium cần thiết là 1200 mg mỗi ngày. Các thực phẩm giàu calcium bao gồm: sữa tươi, phó mát, sữa chua hay yogurt, táo, cam, ngũ cốc, bông cải xanh, cải xoăn, mù tạc xanh, cải bẹ, rau muống, v.v. 

Vitamin D là một yếu tố quan trọng để cơ thể hấp thu calcium, nên cần phải có đủ vitamin D trong cơ thể. Nguồn vitamin D tốt nhất là ... mặt trời. Mỗi ngày chỉ cần phơi nắng khoảng 10 phút vào buổi sáng (không phải buổi chiều) là cơ thể có thể hấp thu đủ vitamin D. Các chuyên gia khuyến cáo rằng chúng ta cần khoảng 600 IU (IU là đơn vị quốc tế) vitamin D mỗi ngày.

Luyện tập thể dục: Trái lại với nhiều người nghĩ xương là một mô cố định, xương thật ra là một mô rất năng động. Vận động cơ thể là "liều thuốc" hết sức quan trọng để xây dựng bộ xương chắc và mạnh.

Ngưng hút thuốc lá: Đối với đàn ông Việt Nam, một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe xương là hút thuốc lá. Thuốc lá là thủ phạm của rất nhiều bệnh như tim mạch, tiểu đường, ung thư, nhưng nó cũng chính là thủ phạm nguy hiểm cho xương.

 

 

Đặt câu hỏi