Bệnh Loãng Xương: Hỏi và Đáp (phần 2)

16/07/2018

Trả lời:

Các đối tượng làm nghề khác nhau có nguy cơ mắc bệnh loãng xương khác nhau không?

 Nguy cơ mắc bệnh loãng xương có liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng có những yếu tố có thể thay đổi và nằm trong tầm tay của chúng ta như hoạt động thể lực, thiếu canxi và thiếu vitamin D. Vì vậy những người mà nghề nghiệp ít vận động hay thường ở trong văn phòng như nhân viên văn phòng, có nguy cơ bị loãng xương cao hơn người làm nghề phải vận động nhiều ngoài trời như nông dân.

Tại sao nhóm đối tượng nữ nhân viên văn phòng được liệt vào dạng có nguy cơ loãng xương cao?

Như các bạn đã biết, bên cạnh các nguy cơ chung của nữ với loãng xương, nhóm đối tượng nữ nhân viên văn phòng với những đặc thù công việc của mình, thường có những thói quen là nguy cơ cao của loãng xương như sau:

Suốt ngày ở văn phòng: Nhân viên văn phòng là những người ít có điều kiện ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dễ bị thiếu hụt vitamin D, đồng thời thường chỉ ngồi tại chỗ ít có điều kiện vận động, và 2 yếu tố: thiếu vitamin D kèm giảm vận động đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe xương.

Chế độ ăn uống không hợp lý: do đặc thù công việc, nhân viên văn phòng thường dùng thức ăn nhanh, chế biến sẵn, dễ có tình trạng dinh dưỡng không cung cấp đầy đủ các chất thiết yếu cho xương, đặc biệt là calci..

Uống các loại nước có gaz: Thường xuyên uống các loại nước có gaz sẽ khiến mật độ xương phụ nữ giảm sút. Như đã trình bày ở trên, mật độ xương có liên quan trực tiếp đến sức khỏe xương và nguy cơ gãy xương. Các nhà nghiên cứu tìm thấy trong các lọai nước có gaz có chứa Phosphate, chất này không những làm giảm khả năng hấp thụ Calci mà còn gây tăng thải Calci qua đường niệu.

 

Nhân viên văn phòng được liệt vào nhóm có nguy cơ cao

Tai nạn khi còn trẻ liên quan tới xương (gãy chân, đứt dây chằng…) có dẫn đến loãng xương về sau này hay không?

 Bị gãy xương lúc còn trẻ do tai nạn hay nguyên nhân thứ phát có thể là tín hiệu xương có “vấn đề”. Y văn cho thấy những người bị tai nạn và gãy xương thường có mật độ xương thấp hơn trung bình. Do đó, những người bị gãy xương lúc còn trẻ có nguy cơ cao tái gãy xương do loãng xương khi về già.

30 tuổi đã có triệu chứng bị đau lưng vậy có phải bị bệnh loãng xương sớm?

Loãng xương có thể dẫn đến đau lưng do xương đốt sống bị gãy, nhưng đau lưng không hẳn là một triệu chứng của loãng xương.Vả lại, loãng xương thường xảy ra ở người cao tuổi, chứ ở người trẻ tuổi rất ít người bị loãng xương. Do đó, đau lưng khi còn trẻ có thể do nguyên nhân khác (như kém vận động, hoặc vận động không đúng cách, đưa đến tình trang mỏi cơ) chứ không hẳn do loãng xương.

Di truyền có ảnh hưởng tới bệnh loãng xương không?

Một số nghiên cứu cho thấy tiền căn gia đình có người bị gãy xương là một yếu tố nguy cơ độc lập của gãy xương do loãng xương. Đồng thời, người ta cũng đã tìm ra một số gene như VDR, LRP5, COLIA1 có liên quan tới gãy xương và loãng xương. Vì vậy, di truyền chắc chắn có ảnh hưởng tới bệnh loãng xương, tuy nhiên để xác đinh gene nào và ảnh hưởng như thế nào thì vẫn còn trong vòng nghiên cứu.

Chuột rút có phải là do xương thiếu canxi và dấu hiệu của bệnh loãng xương không?

Chuột rút, hay vọp bẻ, là cảm giác đau gây ra bởi sự co rút, thường là co cơ. Nguyên nhân chính dẫn đến chuột rút là do thiếu ôxy đến cơ hoặc rối loạn điện giải, đặc biệt là hạ calci máu (thiếu calci) hoặc hạ kali máu (thiếu kali), có thể là dấu hiệu của một số bệnh mãn tính như suy tĩnh mạch, bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp… Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị chuột rút, điều này không có gì đáng lo lắng. Tuy nhiên, nếu chuột rút xảy ra thường xuyên hoặc gây đau đớn, bạn cần đến trung tâm y tế chuyên khoa để được khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết cho xác định chẩn đoán và có biện pháp điều trị thích hợp.

Đặt câu hỏi