Bệnh Loãng Xương: Hỏi và Đáp (phần 3)

16/07/2018

Trả lời:

Hậu quả khi bị loãng xương sẽ ra sao?

Loãng xương gây rất nhiều tác hại cho sức khoẻ và sinh hoạt, làm cho xương bị yếu đi, cấu trúc xương bị tổn hại làm cho xương giòn, dễ gãy dù chỉ là một va chạm nhẹ, đôi khi một cái hắt hơi cũng làm gãy xương. Cần chú ý là bệnh loãng xương thường không triệu chứng nhưng khi đã xảy ra biến chứng gãy xương sẽ dẫn đến một loạt các hậu quả nghiêm trọng như tăng nguy cơ tử vong , tăng nguy cơ mắc các bệnh nội khoa khác, giảm đến mất chức năng vận động, đau mãn tính làm giảm chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, điều trị gãy xương do loãng xương rất khó khăn và phức tạp. Đặc biệt, các xương lớn như cổ xương đùi bị gãy thì việc điều trị trở nên vô cùng khó, mất nhiều thời gian và chi phí rất tốn kém. Có thể nói, biến chứng của loãng xương tác động tới không chỉ sức khỏe của người bệnh mà còn cả những người thân của họ nữa.

Nếu gãy xương do loãng xương thì những xương nào dễ bị gãy?

Xương được cấu tạo từ 2 loại mô chính: chất keo collagen và chất vôi canxi phosphat. Dựa vào đăc tính sinh học, xương đươc chia thành 2 nhóm chính là xương đặc và  xương xốp. Xương đặc có mật độ xương cao, xương xốp có mật độ xương tương đối thấp hơn. Xương đặc thấy ở thân các xương dài, hộp sọ và xương hàm dưới. Trong khi xương xốp thấy ở đầu cùng các xương dài,  xương cột sống, bên trong các xương cổ tay và chân.

Gãy xương do loãng xương thường gặp ở vị trí xương xốp, phổ biến và kinh điển nhất là đốt sống, xương đùi, và xương cổ tay. Những xương khác cũng có nguy cơ gãy xương do loãng xương nhưng tỉ lệ ít hơn như xương cánh tay, xương sườn, xương chậu, xương bả vai.

 

 

Độ tuổi nào cần kiểm tra và khám loãng xương?

Độ tuổi cần kiểm tra và khám loãng xương là nữ trên 65 tuổi và nam trên 70 tuổi. Tuy nhiên, nữ sau mãn kinh và nam trên 50 tuổi có một trong những yếu tố nguy cơ sau đây cũng cần xét nghiệm MĐX: 

  • giảm chiều cao (so với độ tuổi 20-30);
  • cân nặng dưới 40 kg, hay giảm trọng lượng quá nhanh trong thời gian gần đây;
  • yếu cơ và hay bị té ngã;
  • thiếu estrogen (kích thích tố nữ, giảm sau khi mãn kinh) hay thiếu androgen (nam);
  • thiếu calci;           
  • sử dụng bia rượu thái quá;
  • có tiền sử gãy xương (bản thân hoặc gia đình);
  • tịền sử sử dụng corticoid kéo dài;
  • bệnh viêm khớp
  • suy yếu thị lực

 

Khám loãng xương định kỳ bao lâu một lần?

Có thể khám định kỳ và đo MĐX 2 năm một lần. Trong một số trường hợp cụ thể (chẳng hạn khi nguy cơ mất xương cao, sử dụng glucocorticoid kéo dài) khoảng cách đo có thể ngắn hơn (1 năm/ lần).

 

Mẹ tôi bị loãng xương, vậy tôi 35 tuổi có nên đi kiểm tra bệnh loãng xương không?

Hiện nay tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương là đo mật độ xương (MĐX) bằng kỹ thuật DXA. Vì chi phí xét nghiệm khá cao, nên chỉ có những người có nhu cầu và chỉ định mới cần đến xét nghiệm MĐX. 

Theo nhiều nghiên cứu ở các nước phát triển, nữ sau mãn kinh và nam trên 50 tuổi có một trong những yếu tố nguy cơ sau đây có thể cần xét nghiệm MĐX: 

  • giảm chiều cao (so với độ tuổi 20-30);
  • cân nặng dưới 40 kg, hay giảm trọng lượng quá nhanh trong thời gian gần đây;
  • yếu cơ và hay bị té ngã;
  • thiếu estrogen (kích thích tố nữ, giảm sau khi mãn kinh) hay thiếu androgen (nam);
  • thiếu calci;
  • sử dụng bia rượu thái quá;
  • có tiền sử gãy xương (bản thân hoặc gia đình);
    • tịền sử sử dụng corticoid kéo dài;
    • bệnh viêm khớp
  • suy yếu thị lực.

Ngoài ra, Hội Loãng xương Hoa Kỳ (NOF) cũng khuyến cáo tất cả phụ nữ trên 65 tuổi và nam trên 70 tuổi, dù không có những yếu tố nguy cơ trên, cũng cần được tầm soát loãng xương qua xét nghiệm MĐX.

Theo các chỉ định trên, anh/chị chưa cần phải đi kiểm tra bệnh loãng xương bằng đo MĐX.

 

Đặt câu hỏi